Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan trong 2 thập kỷ gần đây và hiện đứng thứ 6 toàn cầu về thiệt hại do biến đổi khí hậu. Trong năm 2024, Việt Nam đã trải qua nhiều sự kiện tai biến địa chất với những thiệt hại nặng nền. Ngày 25/3/2024, trận động đất có độ lớn 4 độ richter xảy ra tại khu vực huyện Mỹ Đức (Hà Nội) khiến nhiều núi đá trên địa bàn huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình bị sạt lở nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tính đến đầu tháng 7/2024, riêng tỉnh Quảng Trị có trên 133km sạt lở bờ sông, bờ biển chưa được khắc phục xử lý, gồm: gần 30km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gần 73km sạt lở nguy hiểm, trên 33km sạt lở bình thường. Mới nhất là vụ sạt lở đất xảy ra vào ngày 13/7/2024 do mưa lớn kéo dài tại Km11, quốc lộ 34 thuộc địa phận xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang gây thiệt hại nặng nề về người và cơ sở hạ tầng. Ngày 15/7/2024, đoạn dốc Chuối trên tuyến quốc lộ 16 (thuộc địa phận xã Châu Kim, huyện Quế Phong, Nghệ An) tiếp tục bị sụt lún, nứt mặt đường do mưa lớn gây nguy hiểm cho người và phương tiện đi qua. Tháng 9 năm 2024, bão số 3 (bão Yagi) và mưa lũ do hoàn lưu bão đã khiến 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều (thống kê đến sáng ngày 17/9). Đặc biệt, tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hoà Bình, Lạng Sơn, Phú Thọ đã phải gánh chịu những mất mát nặng nề về người do hiện tượng sạt lở, lũ quét đồng loạt kích hoạt.
Từ tháng 11 năm 2024, Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Bảo tàng địa chất bắt đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ Giám sát, cập nhật, xử lý thông tin, dữ liệu tai biến địa chất và đánh giá các tình huống khẩn cấp, bước đầu đã xây dựng được quy trình, nền tảng trao đổi thông tin, dữ liệu tai biến địa chất trên phạm vi cả nước và cập nhật, xử lý thông tin, dữ liệu tai biến địa chất từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau.

Hình 1. Quy trình thực hiện và trao đổi thông tin trong giai đoạn
trước khi tai biến địa chất xảy ra

Hình 2. Quy trình thực hiện và trao đổi thông tin trong giai đoạn
tai biến địa chất đang hoặc mới xảy ra

Hình 3. Quy trình thực hiện và trao đổi thông tin trong giai đoạn
sau khi tai biến địa chất xảy ra

Hình 4. Giao diện công thông tin tích hợp nền tảng chia sẻ thông tin,
dữ liệu về tai biến địa chất

Hình 5. Lớp bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở (dữ liệu dạng raster)

Hình 6. Lớp bản đồ phân vùng nhạy cảm với tai biến địa chất theo xã

Hình 7. Lớp điểm hiện trạng động đất (màu vàng), sụt lún bề mặt (màu tím),
xói lở bờ sông, bờ biển (màu xanh)

Hình 8. Lớp điểm hiện trạng lũ bùn đá (hình tròn màu xanh), trượt lở (hình thoi màu đỏ), nứt đất (vết nứt màu cam)
Công tác Giám sát, cập nhật, xử lý thông tin, dữ liệu tai biến địa chất và đánh giá các tình huống khẩn cấp sẽ được Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Bảo tàng địa chất tiến hành thường xuyên, liên tục, có hệ thống, đặc biệt khi có sự cố tai biến địa chất đột xuất ra để nhanh chóng cập nhật thông tin, đánh giá nguyên nhân, dự báo xu hướng diễn biến, nguy cơ nhằm hỗ trợ đề xuất các phương án xử lý, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước, nâng cao khả năng quản lý rủi ro, thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.
Nguồn: Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Bảo tàng Địa chất