Ngày 20 tháng 12 năm 2024, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã ký quyết định số 4132/QĐ-BTNMT, công bố 10 sự kiện ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2024, trong đó có sự kiện về hoạt động địa chất lần đầu tiên được thể chế hóa bằng luật; tài nguyên địa chất, khoáng sản được quản trị theo chiến lược dài hạn, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Một trong những điểm nổi bật của Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua là đưa hoạt động địa chất cùng với khoáng sản vào quản lý, đặt trong chiến lược khai thác sử dụng dài hạn, hài hòa lợi ích giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Luật đã cụ thể hóa việc bảo vệ tài nguyên địa chất như một phần quan trọng của hệ sinh thái, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc thăm dò, đánh giá tài nguyên địa chất không chỉ phục vụ khai thác mà còn góp phần nghiên cứu khoa học, bảo tồn di sản địa chất và phòng chống thiên tai; triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực.
Hồ sơ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV với kết quả 93,11% đại biểu thống nhất[1]. Quá trình triển khai đã thực hiện theo trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật[2] và nhận được quan tâm, góp ý của cử tri và người dân. Các ý kiến phản ánh, kiến nghị đều được cơ quan soạn thảo ghi nhận vào dự thảo Luật.
Việc ban hành Luật giúp đồng bộ với gần 20 Bộ Luật, Luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, đã phân nhóm khoáng sản để có cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản. Luật ban hành cũng giải quyết được các vướng mắc như việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Đã "cởi trói" những chính sách không còn phù hợp và khơi thông nguồn lực đặc biệt là việc khoáng sản nhóm IV gồm: đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển).
Căn cứ kế hoạch, chương trình làm việc của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật Địa chất và khoáng sản, Bộ TNMT ban hành 02 Quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Địa chất và khoáng sản và Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản[1].
Hiện nay, các Cục Địa chất Việt Nam đã chủ động phân công các đơn vị trực thuộc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật ĐCKS (phần địa chất) để trình đồng bộ ngay sau khi Luật có hiệu lực; dự kiến có 14 Thông tư quy định kỹ thuật. Để triển khai xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, Cục đã trình Bộ văn bản đề xuất danh mục văn bản quy phạm pháp luật đưa vào Chương trình xây dựng VBQPPL năm 2025[2].
[1] Quyết định số 3903/QĐ-BTNMT ngày 04/12/2024 Thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định chitiết thi hành một số điều của Luật Địa chất và khoáng sản; Quyết định số 3904/QĐ-BTNMT ngày 04/12/2024 Thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản.
[2] 1894/ĐCVN-ĐGTD ngày 14/10/2024
[2] Hồ sơ Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Bộ Tư pháp thẩm định tại báo cáo thẩm định số 22/BCTĐ-BTP ngày 22/01/2024, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra tại Báo cáo số 2432/BC-UBKHCNMT15 ngày 20/4/2024 (thẩm tra sơ bộ); Báo cáo số 2499/BC-UBKHCNMT15 ngày 17/5/2024 (thẩm tra chính thức); Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Thông báo số 3592/TB-TTKQH ngày 09/5/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội.